Nhà máy mũ bảo hiểm Protec

Nhà máy Protec

Lịch sử nhà máy

Quỹ AIP được ông Greig Craft thành lập năm 1999. Năm 2000, cựu Tổng thống Hoa Kỳ, Bill Clinton đã phát động dự án Mũ bảo hiểm cho trẻ em – dự án triển khai tại trường học đầu tiên của Quỹ AIP. Tại thời điểm đó, mũ bảo hiểm dùng trong chương trình đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ông Greig Craft đã nhận thấy nhu cầu rất lớn về mũ bảo hiểm chất lượng cao và phù hợp túi tiền tại Việt Nam, vì vậy ông đã gây quỹ thành lập doanh nghiệp xã hội sản xuất mũ bảo hiểm đầu tiên tại Việt Nam. Trong suốt giai đoạn khởi thảo dự án, ông Greig và các đồng nghiệp đã hợp tác chặt chẽ với các chuyên gia của Hoa Kỳ về mũ bảo hiểm và an toàn giao thông; ngoài ra họ còn tham dự các khóa đào tạo tại Hong Kong để hiểu được cơ chế vận hành của một nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm. Công ty Protec được cấp giấy phép hoạt động vào tháng 8 năm 2001, và sản xuất những chiếc mũ đầu tiên năm 2002. Khi mới đi vào hoạt động, nhà máy mới chỉ sản xuất được khoảng 5000 mũ mỗi năm. Năm 2006, doanh số bán hàng của Protec tăng vọt khi chính phủ Việt Nam chuẩn bị đưa luật quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người ngồi trên xe gắn máy vào thực thi – Quỹ AIP đóng một vai trò then chốt để thúc đẩy Chính phủ chấp thuận thông qua điều luật đó. Năm 2007, khi luật quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm chính thức có hiệu lực, công việc sản xuất và bán hàng của Protec đều tăng trưởng ổn định.

Hiện tại, công ty Protec có hơn 300 nhân viên, bao gồm 200 công nhân làm việc trực tiếp tại nhà máy, một phần công nhân trong đó là người khuyết tật. Nhà máy Protec sản xuất được khoảng 5,000,000 mũ bảo hiểm mỗi năm. Nhà máy Protec hiện nay nằm ở Lô C15, Khu công nghiệp Bá Thiện II, Xã Thiện Kế, Huyện Bình Xuyên, Tỉnh Vĩnh Phúc, Việt Nam. Ngoài ra, công ty Protec còn có 2 cửa hàng/ trung tâm phân phối sản phẩm tại Hà Nội, 2 tại thành phố Hồ Chí Minh, 1 tại Đà Nẵng và 1 tại Phnom Pênh.

 

Lắp ráp mũ bảo hiểm

Protec sử dụng hạt xốp mở rộng được nén nhiệt và đúc khuôn thành lớp lót cứng. Lõi xốp “EPS” là bộ phận quan trọng để bảo vệ bộ não và hấp thụ xung động khi xảy ra tai nạn.

Protec sản xuất mũ vỏ cứng làm từ hạt nhựa ABS và mũ vỏ mềm làm từ tấm nhựa PVC, cả hai loại đều có tác dụng bảo vệ như nhau nhưng khách hang có xu hướng sử dụng nhiều vỏ cứng vì vỏ cứng không dễ bị tác động bởi thời tiết và ánh nắng mặt trời như vỏ mềm.

Dây chuyền lắp ráp chuyển động (được chuyển đổi để phù hợp với cả những công nhân ngồi xe lăn) gồm các thao tác cắt dây, lắp khóa, lắp xốp và vỏ, lưỡi trai, kính chắn gió, đánh bóng, kiểm tra chất lượng và đóng gói.

Phòng sơn của nhà máy Protec có khả năng pha màu sơn đa dạng đáp ứng yêu cầu của các mẫu thiết kế và đồ họa khác nhau. Công nghệ in tiên tiến có thể đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng về in logo hay slogan của công ty lên mũ bảo hiểm. Tại nhà máy Protec sử dụng 2 công nghệ là decal nước và in tampon. Thiết kế in tampon dành cho các mẫu logo có không quá 5 màu và thích hợp in trên một diện tích nhỏ trên mũ bảo hiểm; trong khi đó thiết kế decal nước có thể đáp ứng ngay cả những yêu cầu phức tạp nhất về màu sắc và có thể in trên toàn bộ diện tích của mũ bảo hiểm.

Nhà máy Protec luôn có những đãi ngộ tốt dành cho công nhân như ăn trưa, đào tạo chuyên sâu, hoạt động giải trí. Ngoài ra mỗi năm công ty đều tổ chức cho tất cả nhân viên đi nghỉ một lần. Công ty Protec ưu tiên tuyển dụng người dân địa phương vào làm việc. Đảm bảo sức khỏe về thể chất cũng như tinh thần cho nhân viên luôn là những ưu tiên hàng đầu của công ty.

Phòng thử nghiệm đánh giá chất lượng sản phẩm

Nhà máy Protec trang bị một phòng thử nghiệm hiện đại ngay để kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm, nhằm đảm bảo tất cả các mũ bảo hiểm Protec đều đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc gia. Phòng thử nghiệm bao gồm các thiết bị kiểm tra: mức độ hấp thụ xung động, đâm xuyên, khả năng chịu sức kéo của dây khóa mũ và mức độ ổn định của mũ bảo hiểm. Tất cả các thiết bị trong phòng thử nghiệm đều được nhập khẩu từ Canada. Các chuyên gia quốc tế cũng thường xuyên sang thăm phòng thử nghiệm của công ty để tiến hành bảo dưỡng vận hành trang thiết bị cũng như đào tạo chuyên sâu cho các nhân viên trực tiếp làm việc tại phòng thử nghiệm. Mỗi thiết kế sẽ có những tiêu chuẩn an toàn khác nhau nhưng nhìn chung tất cả các kiểu mũ nửa đầu truyền thống của Protec đều phải vượt qua các khâu kiểm tra sau:

Mức độ hấp thụ xung động: Mũ bảo hiểm sẽ được thả rơi tự do từ độ cao tiêu chuẩn 1.385m đối với đe cầu và 1,83m đối với đe phẳng. Lõi xốp EPS sẽ bị biến dạng sau cú rơi có nghĩa lõi xốp EPS đã hấp thu hết các xung động trong va chạm, giảm lực tiếp xúc vào đầu người đội mũ.

Đâm xuyên: Một chiếc cọc sắc nhọn, đạt cân nặng tiêu chuẩn 3kg được thả rơi thẳng vào đỉnh mũ bảo hiểm từ độ cao 2m. Chiếc cọc sắc sẽ không thể xuyên thủng được lõi xốp EPS để chạm tới đầu.

Khả năng chịu sức kéo của dây và khóa mũ: Một chiếc mũ bảo hiểm được đội trên mô hình mô phỏng đầu người với dây khóa cài chắc chắn và chặt ở cằm. Một chiếc móc sẽ được gắn vào dây khóa của mũ bảo hiểm, rồi tác động lên dây khóa mũ một lực tương đương 50kg trong vòng 30 giây. Dây khóa mũ sẽ giữ được trọng lượng đó trong phòng 2 phút mà không đứt.

Mức độ ổn định của mũ bảo hiểm: Một chiếc mũ bảo hiểm được đội trên mô hình mô phỏng đầu người với dây khóa cài chắc chắn và chặt ở cằm. Một chiếc móc sẽ được gắn vào phía sau mũ bảo hiểm, sau đó chiếc mũ bảo hiểm sẽ được kéo văng về phía trước với lực kéo tương đương 10kg từ độ cao 5m. Góc của mũ bảo hiểm sẽ không dịch chuyển quá 30 độ trên mô hình đầu.

Tất cả các phép thử nghiệm đều được kết nối với máy tính có cài sẵn phần mềm Cadex – phần mềm thu thập và lưu trữ số liệu. Các kết quả thử nghiệm đều được gửi kèm theo lô hàng tới tay khách hàng.

Các cơ quan nhà nước thường xuyên gửi các mẫu mũ bảo hiểm thu thập ngoài thị trường tới phòng thử nghiệm của Protec để kiểm tra chất lượng. Các nhà sản xuất mũ bảo hiểm khác cũng gửi các mẫu mũ bảo hiểm của họ tới phòng thử nghiệm của Protec như là một kênh không chính thức để đánh giá chất lượng sản phẩm trước khi gửi sản phẩm tới các cơ sở thử nghiệm của cơ quan chức năng để đánh giá chất lượng sản phẩm lần cuối. Gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới kết hợp với Trường Đại học Y tế Công cộng Hà Nội tiến hành một nghiên cứu về chất lượng mũ bảo hiểm, và họ cũng đã gửi mũ bảo hiểm, cả mũ bảo hiểm mới và đã qua sử dụng tới phòng thử nghiệm của Protec để đánh giá chất lượng sản phẩm.